UFC liệu có thể giữ ghế độc tôn của mình trong làng MMA?

Khi người hâm mộ UFC chuẩn bị bước sang sự kiện cuối cùng trong năm 2023, giải đấu cũng phải đối mặt với một làn sóng mới hứa hẹn sẽ vô cùng sóng gió bên ngoài sàn đấu.

Vụ kiện chống lại UFC được khởi động

Đầu tháng 11, UFC thất bại trong việc phản đối tư cách khởi kiện tập thể từ hàng trăm võ sĩ từng đầu quân cho giải đấu, với yêu cầu đòi hơn 1 tỷ đô la Mỹ số tiền thù lao mà họ cho rằng xứng đáng được nhận. Đơn kiện tố cáo công ty mẹ của UFC – Zuffa LLC đã tạo ra thế độc quyền trong ngành MMA, dẫn tới việc những võ sĩ chỉ được chi trả một số tiền nhỏ trong những gì họ có thể nhận được.

Giờ đây, với phán quyết của tòa án, vụ kiện sẽ chính thức bắt đầu từ tháng 4/2024 sau khi hàng loạt các tài liệu được công khai, bao gồm cả những con số mà UFC đã chi cho hàng trăm võ sĩ, kể cả những ngôi sao nổi tiếng nhất.

Nguyên đơn của vụ kiện bao gồm 1200 cựu võ sĩ UFC từ năm 2010-2017, với số tiền bồi thường được yêu cầu từ 800 triệu tới 1 tỷ đô la Mỹ. Nếu thua kiện, UFC sẽ chịu một sự đả kích lớn cả về tài chính lẫn cách thức đang vận hành giúp họ dẫn đầu thị trường MMA trong hơn một thập kỉ qua.

Chủ tịch UFC Dana White

Quay trở lại thời điểm 2006, Zuffa LLC – công ty mẹ của UFC đã thành công mua lại Pride FC của Nhật Bản, gỉai đấu có sức cạnh tranh nhất với UFC vào thời điểm đó. Năm 2011, thương vụ sát nhập Strikeforce đã chính thức đưa UFC trở thành công ty lớn nhất, duy nhất có quy mô toàn cầu trong ngành MMA. Vị thế này mang lại cho UFC lợi thế tuyệt đối khi đàm phán với những võ sĩ.

Giai đoạn 2011 cho tới hiện tại, UFC đã cho thấy tài năng trong việc quảng bá các trận đấu MMA, đó là sự thật không thể phủ nhận. Nhưng đó cũng là thời kỳ mức thù lao của các võ sĩ bắt đầu suy giảm, vị thế của UFC khiến họ không có nhiều lựa chọn để thương lượng hợp đồng. Họ phải đối mặt hai sự thực: chấp nhận điều kiện của UFC hoặc có nguy cơ phải tìm một giải đấu khác kém danh tiếng hơn, thậm chí giải nghệ.

Vị thế độc tôn của UFC còn được thể hiện qua những điều khoản trong hợp đồng với võ sĩ được gọi là “hạn chế cạnh tranh”. UFC đặt ra ràng buộc với võ sĩ theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả việc cấm thi đấu cho những giải khác dù võ sĩ đó đã giải nghệ, ví dụ như trường hợp của Anderson Silva, Jose Aldo hay Georges St-Pierre. Điều này đã ngăn cản các võ sĩ tìm kiếm cơ hội sau khi rời giải đấu, dấy lên mối lo về sự công bằng và tính cạnh tranh trong ngành MMA.

Mức thù lao của võ sĩ tỉ lệ nghịch với sự phát triển của UFC đã xuất hiện trong nhiều đơn kiện, báo cáo và hợp đồng võ sĩ được tiết lộ. So sánh với những giải đấu thể thao khác tại Mỹ, nơi thu nhập của các vận động viên chiếm từ 47-50% doanh thu, những người đồng nghiệp tại UFC chỉ được nhận 16-19% con số mà giải đấu kiếm được.

Về tình hình kinh doanh, từ một công ty chỉ trị giá 2 triệu USD năm 2001, UFC đã được định giá 12,1 tỷ USD trong thương vụ sát nhập với WWE gần đây. Theo báo cáo tài chính của Endeavour – công ty chủ sở hữu hiện tại của UFC, doanh thu của giải MMA lớn nhất hành tinh đạt 1,14 tỷ USD trong năm 2022. Trong hai quý đầu năm 2023, con số này đạt mức 611,9 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2022.

Các vụ kiện chống độc quyền về phía UFC đã bắt đầu từ năm 2014, sau một thập niên khởi động, cuối cùng vụ án cũng được đưa ra xét xử.

Mối lo từ những đại gia Ả-Rập

Bên cạnh vụ kiện chống độc quyền, sự xuất hiện của các đại gia Ả-Rập, cụ thể là số vốn 100 triệu USD đầu tư vào Professional Fighters Leauge (PFL) – giải đấu vừa tiến hành mua lại Bellator MMA cũng được xem là đối thủ cho vị thế số một của UFC.

Dù con số 100 triệu USD không phải quá cao so với giá trị của UFC, nhưng đây được xem là hoạt động đầu tư thăm dò của giới nhà giàu Ả-Rập với bộ môn MMA, nối tiếp sau những lần chi mạnh tay ở các môn thể thao khác như bóng đá, golf, F-1 và đặc biệt là Boxing.

Trong suốt 4 năm qua, làng Boxing thế giới đã chứng kiến hàng loạt trận đấu bom tấn được tổ chức tại Ả-Rập, với sự xuất hiện của những ngôi sao hàng đầu như Anthony Joshua, Tyson Fury, Oleksandr Usyk. Các đại gia dầu mỏ đã chi hàng trăm triệu USD để những ngôi sao – hay chính xác hơn là các ông bầu của họ không thể từ chối đề nghị mang trận đấu tới vùng Trung Đông.

Với MMA, ví dụ rõ ràng nhất cho cái tên quyết định chống lại sự độc quyền của UFC là cựu vô địch hạng nặng Francis Ngannou. Tay đấm người Cameroon đã quyết định từ chối kí tiếp hợp đồng với UFC, mặc cho lời đề nghị được anh tiết lộ lên tới 7 triệu USD – gấp đôi con số anh nhận được khi thi đấu từ năm 2015-2022.

 

Francis Ngannou cáo buộc UFC đưa ra những điều khoản bất lợi cho hoạt động thi đấu của anh, bao gồm việc không có bảo hiểm cũng như hạn chế khả năng quảng cáo cho những nhãn hàng không phải UFC lựa chọn.

Ngay sau đó, Ngannou kí hợp đồng với PFL và được phép thi đấu Boxing chuyên nghiệp – nơi anh có màn so tài với Tyson Fury và được cho là có thể kiếm tới 10 triệu USD chỉ sau một trận đấu. Dù không thể giành chiến thắng trước Fury, màn trình diễn của Francis Ngannou cũng gây ấn tượng giúp anh giữ lại danh tiếng sau khi rời UFC.

Có thể thấy, kể từ sau thời kỳ Pride FC và Strikeforce còn hoạt động, đã lâu rồi UFC mới phải đối mặt với nỗi lo mất đi vị thế số một trong làng MMA. Dù rằng để thay đổi hiện thực này trong một sớm một chiều là điều bất khả thi, nhưng những tác động ngoại cảnh có thể một lần nữa định nghĩa lại cuộc chơi của UFC nói riêng và MMA – môn thể thao có tốc độ phát triển nhanh nhất thế kỉ 21.

Nguồn: sưu tầm.

Leave a comment

Việt võ đài 2023
Đỉnh cao chỉ có một

GOLSOFT © 2024. All Rights Reserved.